Chị Phạm Thị Phượng (42 tuổi) - công nhân kiểm hàng tại Thái Bình cho hay, 6 năm về trước, chưa có nhiều công ty hoạt động, giá cả mọi thứ ở quê rất rẻ. Từ khi các công ty thành lập tại quê hương, mức sống và giá cả thị trường đã tăng cao hơn trước.
"Thời điểm đó, kiếm được 4 triệu đồng/tháng đủ đảm bảo cuộc sống cả gia đình còn bây giờ dù lương 8 triệu đồng vẫn phải chi tiêu tiết kiệm" - chị Phượng nói.
Chị Phượng cho biết, lương tối thiểu vùng 6 năm trước của chị là 3,2 triệu đồng, hiện 4,1 triệu đồng - rất khó đủ sống.
Chị Phượng cho biết mức lương tối thiểu vùng hiện tại khá thấp so với mức sống. Ảnh: Mạnh Cường.
Chị Phượng cho biết thêm, ở các vùng quê có khu công nghiệp phát triển, giá cả đã đắt ngang thành phố.
Trước đây, phần lớn mọi người đều ở nhà làm nông nên thóc gạo, rau quả thậm chí là thịt đều tự cung tự cấp, giá rất ổn định. Dù có tăng cũng không ảnh hưởng. Bây giờ ai ai cũng đi làm nên mọi thứ đều quy thành tiền, giá tăng sẽ khiến thu nhập làm ra không còn dư dả.
Theo nữ công nhân, việc phân lại vùng là rất cần thiết để điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho phù hợp. Chị Phượng cũng mong lương tối thiểu vùng tăng cao hơn nữa để đảm bảo cuộc sống cho người lao động theo thời gian thực tế.
“Không thể dựa vào những nhu cầu cơ bản để định giá lương tối thiểu bao nhiêu là đủ sống. Thiết nghĩ lương tối thiểu vùng cần điều chỉnh tăng lên hàng năm 6% mới phù hợp với giá cả và nhu cầu cuộc sống” - chị Phượng bày tỏ quan điểm.
Chị Phạm Thị Dân (33 tuổi, Nam Định) chia sẻ, trước đây bản thân cũng từng làm việc ở thành phố nên hiểu khá rõ giá cả. Theo chị Dân, nói các chi phí ở quê thấp hơn là không chính xác.
Chị Dân mong tăng lương tối thiểu vùng lên 6% hoặc bằng vùng cao hơn hiện tại. Ảnh: Mạnh Cường.
“Duy chỉ có rau củ quả ở thành phố đắt đỏ hơn còn giá thịt cũng bằng ở dưới quê, thậm chí còn rẻ hơn trong nhiều thời điểm. Nhiều mặt hàng sản xuất đại trà công nghiệp nên giá còn thấp bằng ⅔ ở quê” - chị Dân cho hay.
Theo chị Dân, chị làm việc ở vùng 3 nhưng có mức sống ngang bằng với vùng 2. Do vậy, nữ công nhân đề xuất, Nhà nước cần xem xét nâng vùng cao hơn để đảm bảo mức lương tối thiểu hợp lý cho người lao động.
Giải thích thêm, chị Dân cho biết, rất nhiều công ty chọn về các vùng quê để mở nhà máy, tuyển công nhân. Mức lương cơ bản ở quê khá thấp nên sẽ tiết kiệm chi phí cho công ty nhưng lại khiến thu nhập của người lao động giảm. Khi hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội sau này, người lao động cũng rất thiệt thòi.
Theo nữ công nhân, nếu chưa thể nâng vùng thì cần phải điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lên thêm ít nhất 6% mỗi năm.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước thực hiện rà soát việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2024.
Thêm vào đó, các địa phương cũng cần đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh phân vùng hiện hành, nhằm chuẩn bị cho phương án đề xuất với Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2025 trong thời gian tới, theo quy định của điều 91 Bộ luật Lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/luong-toi-thieu-vung-can-tang-phu-hop-voi-muc-song-1467541.ldo