Lao động trẻ tham gia phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Quang Thành
Không ngại khó
Nguyễn Ngọc Nam tốt nghiệp ngành truyền thông đa phương tiện năm 2023. 2 năm qua, lao động trẻ này lăn xả, có lúc nhận làm 3 công việc để có thu nhập, tích lũy kinh nghiệm công việc và được thỏa mãn đam mê của mình.
Từ giữa năm 2024, Nam vừa làm cộng tác viên cho một tạp chí chuyên về đồ ăn của nước ngoài; vừa nhận cộng tác cho trung tâm tổ chức tiệc cưới và sản xuất video quảng bá cho một thương hiệu thời trang công sở nữ. Với Nam, công việc ở tạp chí là “trong mơ”, 2 công việc còn lại để có thu nhập thuê nhà, nuôi dưỡng đam mê.
“Tôi chỉ được đảm nhận một phần việc trong khâu sản xuất hình ảnh của tạp chí nhưng đã cảm nhận được yêu cầu khắt khe và sự chuyên nghiệp khi làm việc với đối tác nước ngoài. Một người trẻ như tôi không dễ gì có được cơ hội ngàn vàng này. Tôi được nhận bởi sự tiến cử của một đàn anh đi trước, sau khi thử thách 2 tháng tôi mới được nhận làm cộng tác viên. Với tôi, tất cả công việc đang đảm nhiệm đều quý giá, có công việc cho thu nhập, có công việc giúp hoàn thiện kỹ năng…”, Nam chia sẻ.
Theo tiết lộ của Nam, 3 công việc hiện mang lại tổng thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Cũng là lao động trẻ không ngại khó, Trần Duy Tuấn tốt nhiệp ngành Quản trị kinh doanh một trường đại học dân lập tại Hà Nội. Được nhận làm nhân viên kinh doanh của một thương hiệu gia dụng nhập khẩu, Tuấn vừa làm vừa theo học cao học hệ vừa học vừa làm.
“Em chưa lập gia đình, công việc của nhân viên kinh doanh nếu đạt được KPI công ty đưa ra em có tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Em quyết tâm tích lũy tiền và tranh thủ học cao học để hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ. Bố mẹ thấy em vừa học vừa làm cũng thương con, khuyên em không phải quá áp lực nhưng em thấy xung quanh em bạn bè đều rất cố gắng, đòi hỏi chung của nhà tuyển dụng với ứng viên cũng ngày càng khắt khe hơn, nếu không phấn đấu sẽ bị tụt hậu”, Tuấn chia sẻ.
Lao động trẻ cần hoàn thiện kỹ năng
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng, kỹ năng thấp chính là “rào cản” đối với lao động thanh niên Việt Nam trong thị trường việc làm 4.0. Thiếu kinh nghiệm và phải cạnh tranh với những lao động làm việc lâu năm; doanh nghiệp ngày càng yêu cầu cao về bằng cấp và chứng chỉ; thiếu các kỹ năng... là những rào cản khiến lao động trẻ gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường hiện nay...
“Nâng cao kỹ năng của lao động thanh niên, tạo điều kiện cho lao động thanh niên Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế và đây là thách thức lớn, đòi hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ”, bà Lan Hương nhận định.
Ngoài tăng cường kỹ năng, bà Hương lưu ý phải tăng cường dự báo thị trường lao động, tổ chức đào tạo, đặc biệt là đào tạo các ngành mới, “đón đầu” nhu cầu thị trường lao động. Đây cũng là cơ sở quan trọng để triển khai, góp phần cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ cho thị trường lao động.
Chung quan điểm, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, để phù hợp với thị trường lao động Hà Nội hiện nay, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ cần thay đổi và phát triển thêm một số kỹ năng, trong đó có kỹ năng kỹ thuật và công nghệ.
Kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khả năng làm việc nhóm cũng rất quan trọng để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc đa dạng và đòi hỏi sự hợp tác.
“Đặc biệt, hiện tiếng Anh đã trở thành một yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc toàn cầu. Khả năng giao tiếp và hiểu biết tiếng Anh sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm”, ông Thành nói.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-tre-khong-ngai-thu-thach-ban-than-1467630.ldo