Công nhân luôn mong được tăng lương để cải thiện chất lượng cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mong sớm tăng lương tối thiểu
Chị Nguyễn Thị Hoàn (tên nhân vật đã thay đổi), công nhân một công ty điện tử tại thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho hay, 2 năm qua, chị chưa được tăng lương cơ bản. Mức lương cơ bản của chị hiện nay là 5,1 triệu đồng/tháng. Mức này đã cao hơn lương tối thiểu vùng (mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn nơi công ty chị là vùng II: 4.410.000 đồng/tháng.
“Trong năm 2025 tôi mong muốn lương tối thiểu vùng tăng để lương cơ bản của tôi có thể cũng sẽ được tăng tương ứng. Mức tăng cụ thể đối với lương cơ bản mà tôi mong muốn là 200.000 đồng/tháng”, chị Hoàn cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Minh Vĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - cho biết, ông mong muốn lương tối thiểu tăng trong năm 2025 với mức 7% so với mức hiện nay. “Mức lương tối thiểu vùng hiện nay vẫn chưa cao, mới chỉ đáp ứng được phần nào mức sống tối thiểu của người lao động. Do vậy, cần tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống của người lao động” - ông Vĩ lý giải đề xuất của mình.
Theo ông Vĩ, thường mỗi khi tăng lương tối thiểu vùng, có doanh nghiệp đang áp dụng mức thấp hơn lương tối thiểu vùng thì sẽ điều chỉnh tăng lên theo đúng quy định; có doanh nghiệp thì tăng lương cơ bản cho công nhân với mức tăng % tương ứng với mức tăng của lương tối thiểu; có những đơn vị đang có lương cơ bản cao rồi thì sẽ không tăng ngay mà sẽ xem xét điều chỉnh sau.
Vị cán bộ công đoàn cho biết thêm, hiện nay, 100% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn.
Còn tại Nam Định, 8 năm đi làm, bà Phạm Thị Hồng nhận được mức lương cơ bản gần 4,8 triệu đồng (sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội). Mỗi năm, lương cơ bản của nữ công nhân tăng 219.000 đồng (từ 3,03 triệu đồng/tháng lên 4,78 triệu đồng/tháng). Theo bà Hồng, mức tăng này chưa phù hợp với giá cả thị trường.
bà Hồng dẫn chứng: năm 2016, giá gạo khoảng 12.000 đồng/kg, bây giờ tăng lên 22.000 đồng/kg. Thời điểm đó, giá thịt lợn khoảng 80.000 đồng/kg nhưng bây giờ đã tăng lên 130.000 đồng/kg. Còn mức lương cơ bản của bà thì tăng khá chậm. Sau 8 năm mức lương tối thiểu vùng chỉ tăng hơn 1 triệu đồng.
Bà Hồng kiến nghị nên tăng đều đặn lương tối thiểu vùng 6% mỗi năm, không giãn năm. Đồng thời, nữ công nhân cho hay, cần tăng lương tối thiểu vùng sớm hơn, thay vì để tháng 7 như các năm trước.
Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết, theo quy định, Chính phủ sẽ ban hành điều chỉnh lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hội đồng Tiền lương quốc gia có 3 cơ quan đại diện và 1 số chuyên gia độc lập, trong đó hiện biến động nhất là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) do bộ này đang sắp xếp, sáp nhập các bộ phận chuyên môn.
Nghị quyết số 27-NQ/TW khẳng định từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hiện lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Do đó, năm 2025 đã có đầy đủ cơ sở để điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Theo ông Lê Đình Quảng, Tổng LĐLĐVN đã chuẩn bị, khi cơ cấu về mặt tổ chức, đặc biệt là khi việc sáp nhập các bộ phận chuyên môn của Bộ LĐTBXH đi vào ổn định, Tổng LĐLĐVN sẽ đề xuất Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm có kế hoạch để xem xét, đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2025.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Đình Quảng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng phụ thuộc vào 7 yếu tố (trong đó có những yếu tố chuyên sâu): Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
“Tổng LĐLĐVN đã có số liệu khảo sát và hiện đang tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để có căn cứ đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Hiện Tổng LĐLĐVN chưa có đề xuất mức tăng lương tối thiểu cụ thể. Sau khi Bộ LĐTBXH sắp xếp lại tổ chức, Tổng LĐLĐVN sẽ đề xuất Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm đưa vào chương trình để nhóm họp điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng” - ông Lê Đình Quảng nói.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP như sau: Vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-kien-nghi-tang-luong-toi-thieu-vung-it-nhat-6-1466206.ldo