TPHCM mở rộng 4 tuyến cửa ngõ lên 60 m, khởi công năm 2026
TPHCM sẽ đầu tư hơn 57.000 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng 4 tuyến đường huyết mạch cửa ngõ lên đến 60m, dự kiến khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2028.
TPHCM sẽ mở rộng Quốc lộ 13 lên 60m, kết hợp đường trên cao 4 làn xe. Ảnh: Minh Quân
Chiều 20.2, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 21, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông lớn theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Các tuyến đường được mở rộng gồm Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 và trục Bắc - Nam. Đây đều là những tuyến huyết mạch, giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối nội đô với các tỉnh lân cận, giảm tải áp lực giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong tổng vốn hơn 57.000 tỉ đồng, ngân sách nhà nước tham gia khoảng 35.600 tỉ đồng, phần còn lại do các nhà đầu tư thu xếp.
Khi các dự án hoàn thành, việc thu phí hoàn vốn sẽ kéo dài từ 18 đến 23 năm tùy theo từng công trình.
Quốc lộ 13: Mở rộng 60m kết hợp đường trên cao
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 qua TP Thủ Đức là công trình có tổng vốn đầu tư lớn nhất, gần 21.000 tỉ đồng. Tuyến đường sẽ được mở rộng lên 60m với 10 làn xe, đồng thời xây dựng thêm đoạn đường trên cao dài hơn 3 km ở giữa tuyến, giúp giảm ùn tắc và tăng khả năng lưu thông.
Phối cảnh đường trên cao 4 làn xe trên Quốc lộ 13. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Điểm đầu của dự án tại cầu Bình Triệu, điểm cuối giáp Bình Dương, với tổng chiều dài gần 6 km. Trong tổng mức đầu tư, ngân sách nhà nước đóng góp khoảng 14.600 tỉ đồng, phần còn lại gần 6.300 tỉ đồng do nhà đầu tư thu xếp. Dự kiến, dự án sẽ thu phí hoàn vốn trong 18 năm 4 tháng sau khi hoàn thành.
Quốc lộ 1: Mở rộng lên 10 - 12 làn xe
Tại cửa ngõ phía Tây, dự án mở rộng Quốc lộ 1 có tổng chiều dài gần 10 km, từ nút giao đường Kinh Dương Vương đến ranh giới Long An.
Hiện tại, tuyến đường này chỉ có 6 làn xe, nhưng sau khi nâng cấp sẽ mở rộng lên 60 m với 10-12 làn xe.
Xây thêm cầu Bình Điền trên Quốc lộ 1 rộng 6 làn xe. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Dự án được thiết kế với 6-8 làn xe chạy nhanh ở giữa tuyến (tốc độ 80 km/h) dành cho phương tiện thu phí, trong khi hai đường song hành hai bên có tốc độ 60 km/h và không thu phí.
Tổng mức đầu tư khoảng 16.285 tỉ đồng, trong đó hơn 9.600 tỉ đồng từ ngân sách, phần còn lại do nhà đầu tư huy động. Thời gian thu phí dự kiến kéo dài 21 năm 11 tháng.
Quốc lộ 22: Giảm ùn tắc khu Tây Bắc
Dự án nâng cấp Quốc lộ 22, tuyến đường huyết mạch kết nối TPHCM với Tây Ninh, có tổng mức đầu tư 10.424 tỉ đồng. Tuyến đường dài 8 km, từ nút giao An Sương đến Vành đai 3, sẽ được mở rộng lên 60m với 10 làn xe.
Các nút giao lớn trên tuyến sẽ được xây dựng khác mức nhằm giảm xung đột giao thông.
Hướng tuyến mở rộng Quốc lộ 22 qua TPHCM. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Dự án này cũng được thiết kế với 4 làn xe chạy nhanh (80 km/h) ở giữa và các làn xe tốc độ 60 km/h ở hai bên. Nhà đầu tư dự kiến thu phí trong 23 năm 7 tháng để hoàn vốn.
Trục Bắc - Nam: Kết nối đô thị phía Nam với cao tốc Bến Lức - Long Thành
Dự án BOT cuối cùng trong kế hoạch lần này là mở rộng trục Bắc - Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ), đoạn từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến đường dài 8,6km, mở rộng lên 60 m với 10 làn xe, giúp cải thiện kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu đô thị và cảng biển phía Nam.
Đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ được xây đường trên cao dài 7,2 km. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.894 tỉ đồng, trong đó hơn 5.200 tỉ đồng do nhà đầu tư thu xếp. Dự kiến, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 22 năm 1 tháng.
https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-mo-rong-4-tuyen-cua-ngo-len-60-m-khoi-cong-nam-2026-1466237.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)