Thời sự
Cập nhật lúc 02:33 21/02/2025 (GMT+7)
Mỹ xem xét thuế đối ứng - thách thức và cơ hội của xuất khẩu Việt Nam

Mỹ đang xem xét áp thuế đối ứng theo thuế VAT nhằm cân bằng lợi ích thương mại. Chính sách này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Việt Nam. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp đang theo dõi diễn biến, đánh giá tác động và tìm giải pháp thích ứng.

Mỹ xem xét thuế đối ứng - thách thức và cơ hội của xuất khẩu Việt Nam
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê xuất khẩu. Ảnh: Duy Thương

Thuế đối ứng có thể tác động thế nào?

Tuần trước, Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng, cho rằng, nhóm cố vấn thương mại của Tổng thống Trump sẽ phân tích mức thuế nhập khẩu hiện tại của các đối tác, bắt đầu từ những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Bên cạnh thuế quan, các yếu tố như chính sách trợ cấp ngành công nghiệp, quy định quản lý, khả năng định giá tiền tệ thấp và thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng sẽ được xem xét.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Ông phân tích, nếu Mỹ căn cứ vào mức thuế VAT để áp dụng thuế nhập khẩu đối ứng, hàng hóa từ Việt Nam có thể gặp khó khăn không nhỏ.

"Việt Nam hiện đang áp dụng thuế VAT 8% sau khi thực hiện chính sách giảm 2% để hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng. Nếu Mỹ xem xét thuế đối ứng theo VAT, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể bị áp mức thuế nhập khẩu cao hơn, khiến giá bán tại thị trường Mỹ tăng lên. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng Mỹ", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.

Ông cũng khuyến nghị Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về môi trường kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Nếu Mỹ căn cứ vào mức thuế VAT để áp dụng thuế nhập khẩu đối ứng, hàng hóa từ Việt Nam có thể gặp khó khăn lớn. Đồ họa: Minh Ánh
Nếu Mỹ căn cứ vào mức thuế VAT để áp dụng thuế nhập khẩu đối ứng, hàng hóa từ Việt Nam có thể gặp khó khăn lớn. Đồ họa: Minh Ánh

VAT - yếu tố quan trọng trong chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Chia sẻ với phóng viên, TS. Châu Đình Linh cũng nhận định, chính sách hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu đang gây ra những bất cân xứng giữa các quốc gia. Với Việt Nam, nếu hàng xuất khẩu bị đưa vào diện xem xét thuế đối ứng, những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ sẽ gặp áp lực nặng nề. "Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách thuế của Mỹ đều có thể ảnh hưởng đến giá cả và khả năng cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường này", ông nói.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu giấu tên cho biết, Mỹ là thị trường quan trọng với họ, chiếm hơn 40% doanh thu hàng năm. Nếu thuế đối ứng được áp dụng, chi phí nhập khẩu của đối tác Mỹ tăng lên, có thể dẫn đến giảm đơn hàng từ Việt Nam. "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Nếu thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng, giá hàng Việt Nam có thể cao hơn so với đối thủ từ các nước khác. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại với đối tác hoặc tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất để giữ giá cạnh tranh", vị này chia sẻ.

Bên cạnh lo ngại của doanh nghiệp Việt, các nhà sản xuất Mỹ tại Việt Nam cũng đang chịu áp lực lớn. Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho thấy, gần 2/3 nhà sản xuất Mỹ tại Việt Nam có thể phải sa thải nhân công nếu thuế đối ứng được áp dụng.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 4 đến 11.2, thời điểm Tổng thống Trump đã áp thuế 25% đối với thép và nhôm, đồng thời thông báo thuế đối ứng đối với các nước có mất cân bằng thương mại. Kết quả cho thấy 81% số doanh nghiệp tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại về nguy cơ bị áp thuế, với tỷ lệ này lên đến 92% trong lĩnh vực sản xuất.

Theo AmCham, 41% doanh nghiệp được khảo sát đang cân nhắc đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Xu hướng này có thể khiến các công ty thay đổi chuỗi cung ứng, hoặc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như châu Âu hay Đông Á.

Bộ Công Thương đẩy mạnh giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Trước biến động thị trường toàn cầu, Bộ Công Thương xây dựng kịch bản ứng phó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng 17 FTA và 70 cơ chế hợp tác để mở rộng thị trường. Bộ cũng thúc đẩy xúc tiến thương mại, giám sát gian lận xuất xứ, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử và vận động tiêu dùng hàng Việt. Với thị trường Mỹ, Bộ nhận định hàng Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với nước thứ ba nên vẫn có cơ hội xuất khẩu dù biên lợi nhuận có thể bị thu hẹp.

https://laodong.vn/kinh-doanh/my-xem-xet-thue-doi-ung-thach-thuc-va-co-hoi-cua-xuat-khau-viet-nam-1466233.ldo

Minh Ánh - Tuyết Lan (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: