Lập kế hoạch chi tiêu để đón Tết sung túc
Tết là thời điểm nhu cầu chi tiêu tăng mạnh. Vì vậy, hãy lập kế hoạch tài chính cá nhân để chủ động hơn trong việc quản lý chi tiêu dịp Tết.
Tết Nguyên đán luôn là thời điểm mà các gia đình Việt Nam có nhiều khoản chi tiêu lớn trong năm. Từ việc mua sắm thực phẩm, quà biếu, quần áo mới, chi phí đi lại, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa cần tính toán kỹ lưỡng.
Chị Nguyễn Thị Thu - nhân viên văn phòng tại Hà Nội - chia sẻ: "Mỗi dịp Tết, tôi thường chi khoảng 30-40 triệu đồng cho tất cả các khoản, từ mua sắm quà biếu đến tiền lì xì. Năm ngoái, vì không lập kế hoạch rõ ràng, tôi đã tiêu vượt ngân sách và phải vay mượn sau Tết. Năm nay, tôi quyết định lên danh sách các khoản cần chi ngay từ đầu để tránh lặp lại tình trạng cũ".
Việc lập kế hoạch tài chính cho dịp Tết không chỉ giúp kiểm soát chi tiêu mà còn đảm bảo các khoản tiền được sử dụng một cách hiệu quả.
Năm nay, sức nóng của thị trường tiêu dùng dịp Tết càng tăng cao do lạm phát và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, gạo nếp và dầu ăn đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lý do mà các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên ưu tiên mua sắm sớm để tránh tình trạng giá cả leo thang sát Tết.
Anh Lê Văn Hùng - một chuyên gia tài chính cá nhân tại Hà Nội - đưa ra lời khuyên: “Hãy bắt đầu lập kế hoạch tài chính cá nhân bằng việc dự trù chi phí tổng thể. Đầu tiên cần xác định rõ số tiền có thể chi tiêu, sau đó chia thành các mục chi tiêu cụ thể như quà biếu, tiền lì xì, thực phẩm và các hoạt động giải trí".
Bên cạnh việc mua sắm thông minh, cần chú ý đến các chi phí khác như sửa sang nhà cửa hay tổ chức tiệc Tết.
Anh Lê Văn Hùng cho rằng: "Thay vì chạy theo các xu hướng mua sắm xa xỉ thì nên tập trung vào những giá trị thực sự ý nghĩa. Chẳng hạn, nếu ngân sách hạn hẹp, mình thể tự tay làm các món quà biếu Tết hoặc trang trí nhà cửa bằng những vật liệu tái sử dụng. Điều này vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo được dấu ấn riêng".
Đối với những người có kế hoạch về quê hoặc đi du lịch dịp Tết, chi phí đi lại và lưu trú cũng là một yếu tố cần tính toán. Đặc biệt trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, việc đặt vé sớm và tìm kiếm các chương trình khuyến mãi là cách hiệu quả để tiết kiệm chi phí.
Để có một cái Tết sung túc mà vẫn đảm bảo tài chính ổn định, việc tiết kiệm và chuẩn bị từ sớm là yếu tố then chốt. “Chúng ta có thể bắt đầu tiết kiệm từ tháng 6 hoặc tháng 9 hàng năm bằng cách trích một phần nhỏ thu nhập hàng tháng vào quỹ Tết. Với cách làm này, bạn sẽ không bị áp lực tài chính khi Tết đến và có thêm thời gian để lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với ngân sách của mình” - anh Hùng chia sẻ.
Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình mà còn là thời điểm để nhìn lại một năm đã qua và chuẩn bị cho những kế hoạch mới. Vì vậy, thay vì chi tiêu theo cảm hứng, nên lập kế hoạch tài chính thông minh để Tết thực sự là khoảng thời gian thư giãn và ý nghĩa.
https://laodong.vn/kinh-doanh/lap-ke-hoach-chi-tieu-de-don-tet-sung-tuc-1443518.ldo
Lục Giang (báo lao động)