Thời sự
Cập nhật lúc 02:13 21/02/2025 (GMT+7)
Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, giao thông xanh là giải pháp cấp bách

Những ngày qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội tiếp tục ở mức báo động. Chiều 20.2, chỉ số AQI đạt 227, đưa Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Với hơn 6 triệu xe máy và 800.000 ôtô xăng, dầu lưu thông mỗi ngày, giao thông là nguồn phát thải lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, giao thông xanh là giải pháp cấp bách
Cần đầu tư mạnh vào hệ thống trạm sạc nhanh và tiện lợi, đảm bảo người dân có thể dễ dàng sử dụng phương tiện điện. Ảnh: Thuận Hiền

Tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt - cho biết, tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tim mạch và đột quỵ. Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến da, mắt, hệ thần kinh, miễn dịch và sức khỏe tâm thần.

Theo bác sĩ, mùa đông lạnh giá kết hợp với ô nhiễm không khí, những nhóm dễ bị ảnh hưởng bao gồm người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em và người có sức khỏe kém.
Không chỉ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến kinh tế và du lịch.

Các chuyên gia môi trường khẳng định, nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu. Dù chính quyền thành phố đã triển khai các biện pháp kiểm soát khí thải và mở rộng giao thông công cộng, nhưng số lượng phương tiện cá nhân vẫn tiếp tục tăng nhanh, khiến tình trạng ô nhiễm không khí không được cải thiện đáng kể.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam - chia sẻ: “Hà Nội có hơn 6 triệu xe máy, gần 800.000 ôtô sử dụng động cơ đốt trong, thải ra hàng tấn khí CO2, NO2, SO2 và bụi mịn mỗi ngày. Để giảm ô nhiễm, không thể chỉ trông chờ vào những biện pháp ngắn hạn, mà cần chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa”.

Thiệt hại kinh tế từ ô nhiễm không khí: Bài học từ Bangkok

3 tỉ Baht (tương đương 89,4 triệu USD) là mức thiệt hại kinh tế ước tính do ô nhiễm không khí tại Bangkok, Thái Lan.

Theo Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (KRC), mức tổn thất này chủ yếu đến từ chi phí y tế gia tăng và các khoản chi phòng ngừa như khẩu trang, máy lọc không khí, ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng của người dân.

Ước tính có khoảng 2,4 triệu người ở Bangkok mắc các bệnh về đường hô hấp do bụi mịn PM2.5, trong đó một nửa cần đi khám ít nhất một lần mỗi tháng, làm phát sinh chi phí đi lại và y tế trung bình 1.800 - 2.000 Baht/người.

Trước tình hình này, chính quyền Bangkok đã phải đóng cửa hàng trăm trường học nhằm giảm tác động đến sức khỏe trẻ em.

Bài học từ Bangkok cho thấy, nếu không hành động sớm, thiệt hại kinh tế và sức khỏe từ ô nhiễm không khí sẽ còn gia tăng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của đô thị.

Giải pháp chuyển đổi phương tiện xanh cho Hà Nội

Hà Nội đang đứng trước thời điểm quan trọng để hành động. Các chuyên gia đề xuất một số giải pháp cấp bách:

Thứ nhất, hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện. Chính phủ cần có chính sách trợ giá, miễn giảm thuế và lệ phí trước bạ để khuyến khích người dân sử dụng xe điện.

Thứ hai, phát triển hạ tầng trạm sạc. Cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống trạm sạc nhanh và tiện lợi, đảm bảo người dân có thể dễ dàng sử dụng phương tiện điện.

Thứ ba, áp dụng chính sách Tín chỉ Xe điện (ZLEV). Đây là chính sách đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, yêu cầu các hãng xe tăng cường sản xuất và bán xe điện để nhận tín chỉ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe xanh.

Thứ tư, cấm và hạn chế xe xăng theo lộ trình: Đặt mục tiêu cụ thể cho việc hạn chế dần xe động cơ đốt trong tại các khu vực trung tâm vào các năm tiếp theo.

Thứ Năm, tăng cường giao thông công cộng xanh. Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% xe buýt chạy điện, nhưng để đạt được điều này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ và quyết tâm hơn nữa.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người dân. Những bài học từ thế giới cho thấy, nếu không hành động kịp thời, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

https://laodong.vn/xa-hoi/ha-noi-o-nhiem-nghiem-trong-giao-thong-xanh-la-giai-phap-cap-bach-1466238.ldo

Hà Ánh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: