Thời sự
Cập nhật lúc 09:58 27/01/2025 (GMT+7)
Đà Nẵng chuẩn bị mọi nguồn lực để tạo đột phá về kinh tế số

Trao đổi với Báo Lao Động về chiến lược phát triển theo Nghị quyết 57, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, Đà Nẵng quyết tâm thúc đẩy kinh tế số qua thu hút nhân tài, cải thiện hạ tầng và nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức và người dân.

Đà Nẵng chuẩn bị mọi nguồn lực để tạo đột phá về kinh tế số
Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển công dân số, ứng dụng công nghệ cao như VNeID. Ảnh chụp tại bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng (số 24 Trần Phú, TP Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Linh

Nghị quyết 57 nhấn mạnh việc tập trung vào một số lĩnh vực đột phá. Dựa trên lợi thế cạnh tranh và tiềm năng riêng của Đà Nẵng, thành phố sẽ có kế hoạch cụ thể để tạo ra đột phá trong lĩnh vực đã chọn là gì, thưa ông?

- Đến năm 2025, nhiều nhiệm vụ đã được đề ra, trong đó đề nghị bám sát và triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây có thể xem là nền tảng chính trị quan trọng để Đà Nẵng triển khai các nội dung liên quan đến phát triển công nghệ. Các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 57 cũng cần được nghiên cứu để đưa vào thực hiện hiệu quả. Với những cơ chế chính sách như vậy, niềm tin của các doanh nghiệp vào chính quyền và sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ là động lực lớn để Đà Nẵng phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn.

Thưa ông, Đà Nẵng sẽ có những chính sách cụ thể nào để thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao, để phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết 57?

- Năm 2025, Đà Nẵng cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, cần nỗ lực sắp xếp tinh gọn bộ máy giữa hai sở, đặc biệt là thành lập Trung tâm Báo chí Truyền hình theo chủ trương đã đề ra, đảm bảo tính khoa học, phù hợp thực tiễn và mang lại hiệu quả cao.

Thứ hai, cần giải quyết dứt điểm vấn đề mặt bằng cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sở Thông tin và Truyền thông cần triển khai bài bản, nâng cao chất lượng khu Công viên phần mềm 2 để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời mở rộng các khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Thứ ba, cần tập trung triển khai Đề án Chuyển đổi số của thành phố, hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Mục tiêu là nâng cao chất lượng, tính thực chất và hiệu quả trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, phục vụ sự phát triển của thành phố và đáp ứng yêu cầu của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sự đoàn kết nỗ lực vượt khó, tôi tin tưởng rằng thành phố Đà Nẵng sẽ đạt được kết quả tốt trong năm 2024 và tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn 2025-2030.

Đà Nẵng sẽ khắc phục những khó khăn nào trong chuyển đổi số, đặc biệt về thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, thưa ông?

- Đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Trong quý I/2025, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Khoa học công nghệ sẽ hợp nhất thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Đây sẽ là cơ quan nòng cốt để tham mưu triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, thế mạnh trong phát triển công nghệ số, cùng với sự sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để ổn định tổ chức, xác định các vấn đề mới nhằm phát triển ngành hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ với Báo Lao Động!

https://laodong.vn/kinh-doanh/da-nang-chuan-bi-moi-nguon-luc-de-tao-dot-pha-ve-kinh-te-so-1454484.ldo

Mỹ Linh thực hiện (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: