Thời sự
Cập nhật lúc 09:04 26/01/2025 (GMT+7)
Cửa khẩu Trà Lĩnh vắng bóng xe qua lại những ngày cận Tết

Cao Bằng - Tháng 1.2025 đang dần khép lại nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn vẫn khá trầm lắng.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cao Bằng đạt 952,18 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là: thủy sản, rau quả, hạt điều, sắn, các sản phẩm từ sắn, gỗ, sản phẩm gỗ, chì thỏi, quặng, khoáng sản khác, than các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải, ôtô các loại...

Tuy vậy những ngày đầu năm mới, hoạt động xuất nhập khẩu tại địa phương này đang khá khiêm tốn. Theo số liệu được Sở Công Thương cập nhật trên hệ thống, từ ngày 1.1.2025 đến hết ngày 23.1 có 995 lượt xe xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh thường xuyên vắng bóng xe qua lại trong những ngày đầu năm 2025. Ảnh: Tân Văn.
Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh thường xuyên vắng bóng xe qua lại trong những ngày đầu năm 2025. Ảnh: Tân Văn.

Trong đó, việc trao đổi hàng hoá chủ yếu diễn ra tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng. Cá biệt, cửa khẩu Trà Lĩnh, Sóc Giang thường xuyên trong tình trạng không có xe nào qua lại.

Ngày 24.1, trao đổi với PV, anh Thái Văn Tài - một tài xế từ Đồng Nai - chia sẻ: “Hàng hoá qua cửa khẩu nào hoàn toàn do chủ mình và chủ phía Trung Quốc thống nhất, mình chỉ chạy xe thôi, lên tới Cao Bằng này thì thường qua cửa khẩu Tà Lùng là chủ yếu.”

Được biết hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn một số khó khăn khi nhiều cửa khẩu phụ và lối mở trên địa bàn chưa thể hoạt động trở lại từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, gây cản trở nhất định cho giao thương.

Tà Lùng là cửa khẩu được nhiều chủ hàng chọn làm nơi trao đổi hàng hoá nhất trên toàn tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn.
Tà Lùng là cửa khẩu được nhiều chủ hàng chọn làm nơi xuất nhập khẩu nhiều nhất trên toàn tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn.

Để khắc phục các tồn tại, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cùng chính quyền huyện Quảng Hòa đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội đàm với đại diện Chính phủ nhân dân huyện Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Nội dung trao đổi tập trung vào các giải pháp mở lại lối vận chuyển hàng hóa qua Cầu đường bộ Tà Lùng II và nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu thành cửa khẩu quốc tế.

Hai bên cũng tìm kiếm cách giảm chi phí thông quan và thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng hóa như mía nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân và mang lại cơ hội hợp tác lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cửa khẩu Lý Vạn cũng vắng bóng xe hàng hoá qua lại. Ảnh: Tân Văn.
Cửa khẩu Lý Vạn cũng vắng bóng xe hàng hoá qua lại. Ảnh: Tân Văn.

Cuối năm 2023, UBND tỉnh Cao Bằng và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) cùng tổ chức lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế bao gồm lối thông quan Nà Đoỏng - Nà Ráy.

Sự kiện này được xem như bước tiến lớn trong định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu của địa phương. Từ ngày 28.12.2023, người và hàng hoá từ các nước thứ 3 có thể đi qua Việt Nam vào nội địa Trung Quốc và ngược lại.

Được biết, trong quy hoạch Cao Bằng mới được phê duyệt, khu vực cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh sẽ có 1 cảng cạn trung chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, trải qua hơn 1 năm hoạt động, Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh vẫn chưa có quá nhiều đột biến.

https://laodong.vn/kinh-doanh/cua-khau-tra-linh-vang-bong-xe-qua-lai-nhung-ngay-can-tet-1454628.ldo

Tân Văn (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: