Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đến chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt nội dung Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đồng thời tập huấn những nội dung quan trọng của Luật Dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội thông qua và chính thức áp dụng với những vấn đề rất quan trọng liên quan tổ chức công đoàn, người lao động tại doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Tập đoàn EVN, kết nối trực tuyến đến các đơn vị cấp 3 (207 điểm cầu) công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận nhằm giúp đội ngũ cán bộ công đoàn trong Tập đoàn nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi trong các văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Từ đó tổ chức chỉ đạo, tham mưu, triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết vào thực tiễn phong trào công nhân, hoạt động công đoàn. Những vấn đề quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cần được lan toả mạnh mẽ trong cán bộ, đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn và toàn xã hội.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đã truyền đạt một số nội dung cơ bản trong văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Trong đó, ông Ngọ Duy Hiểu thông tin về kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (2018 - 2023); bối cảnh, tình hình nhiệm kỳ 2023 - 2028; mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ 2023-2028; 3 khâu đột phá gồm đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước…
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đã truyền đạt một số chỉ đạo lớn trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: Trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?
Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Với vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ, hơn ai hết, Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn…
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đã truyền đạt tới các cán bộ công đoàn ngành điện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022…