Cần phải có nguồn kinh phí hoạt động cho các Tổ tự quản
Với đặc thù Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội giáp ranh với TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; KCN Thăng Long III Hà Nội, nằm trên địa bàn huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, công nhân lao động (CNLĐ) của hai tỉnh, thành phố có sự đan xen lẫn nhau về địa bàn làm việc và nơi cư trú. Tại các địa bàn này, hiện chưa có nhà ở tập trung dành cho CNLĐ. Riêng KCN Quang Minh, huyện Mê Linh có khoảng 3.500 lao động nhập cư, vì vậy CNLĐ hiện đang cư trú tại các khu nhà ở, nhà trọ giá bình dân.
Theo chia sẻ của ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh, LĐLĐ huyện chủ động phối hợp với công an huyện và chính quyền thị trấn Chi Đông và thị trấn Quang Minh nơi có đông CNLĐ thuê trọ thành lập được 20 Tổ tự quản tại các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn 2 thị trấn.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức CĐ trong việc tham gia, phối hợp cùng với các cấp chính quyền địa phương xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.
Từ thực tế, ông Hưng cho biết, muốn Tổ tự quản phát huy hiệu quả tốt, cần phải có nguồn kinh phí hoạt động cho các Tổ tự quản, để quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần cho CNLĐ và chủ nhà trọ.
Về vấn đề đảm bảo an ninh công nhân tại các KCN-CX và địa bàn giáp ranh, bà Bành Hải Ninh - Chủ tịch CĐ Các KCN-CX tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, cần có sự phối hợp tốt giữa CĐ và lực lượng công an, trong đó có cả phối hợp để thành lập CĐCS.
Rà soát để đảm bảo đoàn viên, NLĐ nào cũng được chăm lo
Một trong những kinh nghiệm của CĐ các KCN-CX Hà Nội trong lĩnh vực này là xây dựng nhiều kênh để nắm bắt và kiểm tra thông tin, gồm: CĐCS; nhóm công nhân nòng cốt; nhóm Zalo từng KCN; Ban quản lý, Công an, Công ty hạ tầng KCN; tổ tự quản khu nhà trọ; mạng lưới CĐ các KCN, Facebook KCN.
Phân tích về các tình hình, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch CĐ Các KCN-CX Hà Nội - khẳng định cần nắm chắc tình hình tư tưởng, việc làm, thu nhập, đời sống đoàn viên, CNLĐ, kịp thời xử lý vướng mắc trong quan hệ lao động; làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, CNLĐ, đảm bảo an ninh công nhân.
Thời gian vừa qua, LĐLĐ TP Hà Nội và LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung nắm chắc tình hình tư tưởng đoàn viên, CNLĐ, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, đặc biệt là nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trong CNLĐ, không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự tại các KCN, khu nhà trọ công nhân, ngăn chặn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể, giảm thiểu số vụ ngừng việc tập thể qua từng năm.
Một trong những nội dung 2 đơn vị ký kết giai đoạn 2025 - 2028 là phối hợp nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ; phối hợp giải quyết các trường hợp gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn giáp ranh; phối hợp tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Thanh và bà Trịnh Thị Thoa đều thống nhất có sự giao thoa lớn giữa 2 đơn vị, trong đó có đoàn viên CĐ ở Hà Nội nhưng làm việc tại Vĩnh Phúc. Có CNLĐ Hà Nội nhưng làm việc trên địa bàn Vĩnh Phúc và ngược lại. Do đó, cần có sự rà soát cụ thể về số lượng để tổ chức các hoạt động đảm bảo an ninh công nhân. Ông Phạm Quang Thanh nhấn mạnh rà soát, nắm bắt tình hình, số lượng để đảm bảo đoàn viên, NLĐ ở địa bàn nào cũng được tổ chức CĐ chăm lo.
https://laodong.vn/cong-doan/ha-noi-va-vinh-phuc-ky-ket-cham-lo-3500-lao-dong-nhap-cu-1452409.ldo