Tăng tiền lương, tăng ca
Chị Phạm Thị Dân (33 tuổi) - công nhân may tại Nam Định đang làm việc theo hình thức khoán (trả lương theo sản lượng). Tuy nhiên, tiền lương khi tăng ca lại không được công ty chú trọng.
“Mỗi giờ tăng ca chúng tôi chỉ được chi trả 10.000 đồng, không phải riêng công ty đang làm mà có nhiều công ty khác cũng trả lương theo hình thức khoán” - chị Dân nói.
Nữ công nhân mong muốn năm 2025 có chính sách quán triệt việc tăng ca của doanh nghiệp, không phân biệt trả lương theo sản lượng hay thời gian, công nhân tăng ca sẽ được tính bằng 150% so với lương tối thiểu vùng theo giờ đã quy định.
Chị Dân cũng mong Nhà nước giảm tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ đặc biệt là lao động ngành dệt may xuống 55 tuổi. Với đặc thù nghề may phải thật tinh mắt, nhanh tay, thường xuyên hít bụi vải, ngồi khom lưng mỗi ngày, theo chị Dân ít công nhân trụ được qua tuổi 50, thậm chí trên 45 tuổi đã bị công ty “đuổi khéo”.
Đối với bảo hiểm xã hội, mặc dù không tác động nhiều đến thu nhập hằng tháng, nhưng chị Dân vẫn mong tăng lương tối thiểu vùng. Mức đóng bảo hiểm xã hội của nữ công nhân này chỉ tăng hơn 300.000 đồng sau 4 năm đi làm, hiện tại tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội là 4.085.000 đồng. Khi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản hay thất nghiệp về sau, quyền lợi rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống.
Do đó, nữ công nhân kiến nghị, lương tối thiểu vùng 2025 cần tăng lên từ 6% đến 10% đồng thời phải tăng hằng năm để tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tăng theo. Theo chị Dân, mức tăng này hoàn toàn thiết thực để bù trượt giá thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội hằng tháng.
“Nhà nước có tăng lương tối thiểu vùng, công ty mới điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm xã hội lên theo cho người lao động. Mức đóng có tăng hợp lý hằng năm chúng tôi mới yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài” - chị Dân cho hay.
Mong được nâng cao kỹ năng về AI
Chị Nguyễn Thị Liên (32 tuổi) - cán bộ công đoàn công ty may mặc ở Thái Bình chia sẻ, hoạt động công đoàn cơ sở cần được quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất lẫn tài chính. “Có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn trong công ty nhưng chúng tôi phải chọn lọc ra số ít để trao quà, tiền hỗ trợ. Hy vọng năm 2025 sẽ có nhiều kinh phí hơn nữa để chăm lo cho đoàn viên, người lao động” - chị Liên cho hay.
Đối với công việc đang làm, chị Liên là nhân viên lễ tân kiêm nhân viên y tế và là cán bộ công đoàn của công ty. Mỗi tháng nữ cán bộ nhận được phụ cấp 500.000 đồng, 3 tháng mới được nhận một lần. Chị Liên mong muốn được tăng phụ cấp thêm 20% và được nhận hằng tháng để chi trả cho các chi phí xăng xe, điện thoại, internet… phục vụ công việc.
Nữ cán bộ công đoàn cũng mong được tham dự nhiều hơn các lớp tập huấn chia sẻ kiến thức về Luật Công đoàn, chính sách pháp luật, bảo hiểm... để có thể nắm bắt nhanh, kịp thời những thay đổi, từ đó mới dễ dàng hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
Bên cạnh đó, sang năm mới 2024, chị Liên cũng mong được công đoàn cấp trên quan tâm, hỗ trợ nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin để phục vụ công việc tốt hơn.
“Kiến thức chúng tôi tích lũy được để tư vấn cho người lao động chủ yếu qua internet, nhiều vấn đề chưa sát với thực tế. Hy vọng liên đoàn lao động địa phương sẽ tổ chức nhiều buổi chia sẻ hơn để chúng tôi hiểu rõ cần phải làm những gì cũng như tư vấn đúng, đủ cho người lao động" - chị Liên nói.
Đối với công nghệ thông tin, nữ cán bộ công đoàn cho rằng, nếu trong hoạt động không ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) bây giờ là lạc hậu. Chị Liên mong được tham dự các khóa học do công đoàn cấp trên tổ chức, liên quan tới mạng xã hội, AI, phần mềm sáng tạo nội dung và hình ảnh để thực hiện công việc hằng ngày một cách hiệu quả nhất.
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-ky-vong-tang-luong-nang-cao-ky-nang-ve-ai-1454611.ldo